Khám phá con người và văn hóa đất nước Singapore
Nếu nói Mỹ là một quốc gia đa dạng nền văn hóa và màu da lớn nhất thế giới, thì Singapore cũng có những nét tương đồng về sự đa dạng văn hóa, với nhiều quốc tịch của khu vực Đông Nam Á. Văn hóa Singapore có sự pha trộn rõ rệt giữa Hoa, Indo, Malay và cả phương Tây, tạo nên một thể thống nhất mà không hề bị tách biệt.
Nguồn gốc hình thành nên Singapore
Được khai phá bởi Thomas Stamford Raffles vào năm 1819 và dần trở thành đầu mối giao thương, hải cảng sầm uất nhất lúc bấy giờ. Singapore từ một làng chài nhỏ bé không mấy ai biết đến và trở thành nơi cảng vận chuyển, giao thương giữa tàu thương nhân của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia – bán đảo Mã Lai và Trung Đông.
Vào thế kỷ 19, Singapore đã trở thành quốc gia có nhiều sự đa dạng văn hóa nhất, với sự có mặt của rất nhiều người dân có quốc tịch gốc ở các nước khác nhau. Từ đó cho đến nay, Singapore đã trở thành một quốc gia độc lập. Trong đó người Hoa chiếm nhiều nhất với 74,2% dân số, người Mã Lai hay Malay – những cư dân đầu tiên tại Singapore chỉ chiếm hơn 13%. Còn lại là dân số của người gốc Ấn, lai Á Âu, Peranakan và các dân tộc khác.
Hiện nay, Singapore cũng là điểm đến làm ăn, xây dựng sự nghiệp của nhiều người trên thế giới. Tạo nên một thể đa văn hóa, với nhiều màu da ở trên đường phố Singapore.
Các sắc tộc tại Singapore
Người Hoa
Người Hoa là nhóm dân tộc lớn nhất ở Singapore, chiếm gần ba phần tư dân số cả nước. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi văn hóa Trung Hoa – từ ngôn ngữ, món ăn, cho đến giải trí và các lễ hội luôn chiếm vị trí nổi bật ở Singapore.
Phần lớn trong số họ di cư đến đây từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, trong đó có Phúc Kiến và Quảng Đông. Nhóm người nói tiếng Phúc Kiến và Triều Châu chiếm số lượng đông đảo nhất, tiếp theo là nhóm người nói tiếng Quảng Đông, Hải Nam và các nhóm nhỏ hơn.
Nhiều người đến đây để mong thoát khỏi cuộc sống cơ cực nơi quê nhà, nhưng cuối cùng lại rơi vào cảnh làm cu-li, hoặc làm thuê làm mướn. Cũng có người giỏi kiếm tiền hơn, nhiều thương gia xuất chúng của thành phố có gốc từ Trung Hoa. Ngày nay, người Singapore gốc Hoa góp mặt trong nhiều thành phần xã hội khác nhau – từ làm chính trị, kinh doanh cho đến hoạt động thể thao và giải trí.
Mặc dù văn hóa truyền thống của họ đã pha trộn nhiều với các nhóm dân tộc khác ở đây và chịu ảnh hưởng từ phương Tây, nhưng Tết Âm lịch vẫn được người dân náo nức chào đón; đó là một lời nhắc nhở khéo léo về bản sắc Trung Hoa của họ.
Người Âu-Á
Cộng đồng người Âu-Á (Eurasian) với số lượng ít, nhưng có tầm ảnh hưởng lớn ở Singapore, là biểu trưng cho sắc màu Đông Tây hội ngộ ở Singapore. Nhóm dân tộc này bao gồm những người lai giữa dòng máu Châu Âu và Châu Á, và họ đã có mặt ở Singapore kể từ đầu thế kỷ 19.
Phần lớn người Âu-Á ở Singapore có nguồn gốc tổ tiên Châu Âu từ Bồ Đào Nha, Hà Lan hoặc Anh, còn nguồn gốc Châu Á là từ các nhóm người Hoa, người Mã Lai hoặc người Ấn.
Những người Âu-Á đầu tiên đến đây một vài năm sau khi người Anh khai lập ra Singapore vào năm 1819, họ chủ yếu đến từ Penang và Malacca. Trong thời kỳ thuộc địa, nhiều người Âu-Á được tuyển vào làm thư ký trong các cơ quan hành chính, các ngân hàng Châu Âu cũng như các công ty mậu dịch và giao thương. Phụ nữ chủ yếu làm giáo viên và y tá.
Ngày nay có khoảng 15.000 đến 30.000 người Âu-Á ở Singapore, chiếm tỷ lệ dưới 1 phần trăm dân số. Tuy vậy, họ đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp truyền thông và giải trí của đất nước này.
Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của người Âu-Á, tuy một số người lớn tuổi có gốc gác Bồ Đào Nha lại sử dụng một loại tiếng Bồ Đào Nha gọi là Kristang.
Người Âu-Á cũng có những truyền thống ẩm thực của riêng họ với các món ăn đặc trưng như súp Mulligatawny (một loại súp nấu từ cà ri), Shepherd’s pie và Sugee cake, với nguyên liệu chính là bột mì hạt cứng (semolina).
Người Ấn
Người Ấn ở Singapore là nhóm dân tộc lớn thứ ba, và cộng đồng này là một trong những nhóm người Ấn sinh sống ở nước ngoài đông nhất.
Nhiều người đến đây từ vùng Nam Ấn, sau khi người Anh khai lập ra Singapore vào năm 1819. Ngày nay, gần 60% người Ấn ở đây có gốc gác Tamil. Hơn một nửa người Singapore gốc Ấn là người Hindu.
Nổi tiếng với năng khiếu kinh doanh, nhiều người Ấn đã khởi nghiệp kinh doanh ở đây, buôn bán trao đổi mọi thứ từ vải vóc đến trang sức. Ngày nay, họ cũng xuất hiện nhiều trong giới chính trị và giới có chuyên môn cao.
Không thể nói về người Singapore gốc Ấn mà không nhắc đến nền ẩm thực của họ, đã góp thêm phần tô điểm hương sắc cho văn hóa ẩm thực đa dạng của Singapore, với các món ăn được yêu thích như Thosai (bánh kếp mặn) và Vadai (bánh bột chiên).
Các lễ hội của người Ấn ở đây vô cùng náo nhiệt và nhiều màu sắc. Deepavali, hay còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là một lễ hội lớn của người Ấn, còn Lễ hội Thaipusam là dịp các tín đồ tự xiên các thanh sắt qua người mình nhằm tẩy rửa tội lỗi, sẽ mang đến cho du khách những cảnh tượng vô cùng kỳ thú.
Người Mã Lai
Người Mã Lai là nhóm người đầu tiên định cư ở Singapore và là nhóm dân tộc lớn thứ hai ở đây. Do vậy nền văn hóa của họ đã có sự ảnh hưởng nhất định lên các nhóm dân tộc khác đến định cư sau.
Người Mã Lai ở Singapore thuở ban đầu đến từ các vùng lân cận, như các đảo Java và Bawean của Indonesia, và bán đảo Mã Lai.
Tiếng Mã Lai được người dân địa phương ở đây sử dụng gần với phiên bản ở Bán đảo Mã Lai hơn là ở Indonesia.
Nền ẩm thực của họ, với những món ăn như nasi lemak (cơm gạo thơm nấu với nước cốt dừa và lá dứa) và mee rebus (sợi mì vàng với sốt cay), là những món mà dân sành ăn ở đây đều yêu thích, và cũng là những món ăn đường phố nổi bật của Singapore.
Phần lớn người Mã Lai theo đạo Hồi, và các dịp lễ chính như Lễ hội Hari Raya Puasa và Lễ hội Hari Raya Haji là dịp mà cộng đồng gắn bó khăng khít này tập hợp nhau lại, cùng tham gia những hoạt động lễ hội nhiều màu sắc để tôn vinh văn hóa và tôn giáo của họ.
Người Peranakan
Nền ẩm thực Peranakan với hương vị cay đặc trưng do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Mã Lai có lẽ là khía cạnh thường gặp nhất của nhóm dân tộc này.
Người Peranakan là sự pha trộn thú vị của các nền văn hóa quanh khu vực. Từ Peranakan dùng để chỉ những người hậu duệ, được sinh ra từ những cuộc hôn nhân giữa những người đàn ông Trung Quốc hoặc Ấn Độ với phụ nữ Mã Lai hoặc Indonesia bản địa, họ sinh sống ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á.
Người Peranakan gốc Hoa, còn gọi là Straits Chinese, ở Singapore có thể truy ngược gốc gác về khu vực eo biển Malacca vào thế kỷ 15, nơi tổ tiên của họ là những thương nhân Trung Quốc đã cưới những phụ nữ Mã Lai địa phương.
Ngoài ra còn có nhóm người Chitty Melaka, hay còn gọi là người Peranakan Indians, là con cháu sinh ra từ những cuộc hôn nhân giữa các thương nhân theo đạo Hindu miền Nam Ấn với phụ nữ địa phương, và nhóm người Jawi Peranakans, có nguồn gốc từ những cuộc hôn nhân giữa thương nhân Nam Ấn theo đạo Hồi với phụ nữ địa phương.
Phần đông người Peranakan thuở ban đầu hoạt động buôn bán và mở cửa tiệm, trong khi một số khác làm trong ngành bất động sản, vận tải đường thủy, và ngân hàng.
Mặc dù nhiều người Hoa Straits Chinese đã hòa nhập vào cộng đồng người Hoa lớn hơn, họ vẫn duy trì các nét đặc trưng văn hóa riêng biệt – nổi bật nhất là về đồ ăn và trang phục dân tộc của họ.
Đồ ăn Nonya, được đặt theo tên những người phụ nữ nấu các món ăn này, có ảnh hưởng rõ rệt từ văn hóa Mã Lai và văn hóa Indonesia, với việc sử dụng các loại gia vị và nước cốt dừa.
Tại các sự kiện trang trọng, phụ nữ Peranakan thường mặc bộ trang phục truyền thống của họ, gọi là Nonya Kebaya, trang phục này chịu ảnh hưởng từ Sarong Kebaya của người Mã Lai. Trang phục tinh xảo này là một chiếc áo kiểu may bằng vải mỏng, thường được trang trí bằng các mô tuýp thêu tay như hoa hồng, hoa lan, hoặc bươm bướm.
Đời sống văn hóa của người Singapore
Văn hoá giao tiếp
Ngôn ngữ
Tại Singapore, có 4 ngôn ngữ chính được chính phủ công nhận bao gồm tiếng Malay (được sử dụng bởi Malaysia và Indonesia), tiếng Trung, tiếng Tamil (cho cộng đồng người Ấn Độ) và tiếng Anh. Trong đó, tiếng Malay được công nhận là ngôn ngữ quốc gia.
Nguyên nhân chính của việc có 4 ngôn ngữ chính được chính phủ công nhận là do sự đa dạng về dân tộc, văn hóa của quốc gia này. Trên thực tế, khảo sát năm 2009 cho thấy có khoảng hơn 20 loại ngôn ngữ được sử dụng tại Singapore, qua đó cho thấy sự phồn thịnh của văn hóa và sắc tộc tại đây.
Chào hỏi và giao tiếp
Giống như Việt nam, người Singapore có thể hỏi những câu hỏi riêng tư về hôn nhân hay thu nhập. Du khách có thể từ chối trả lời một cách lịch sự và nếu không trả lời những câu hỏi như vậy của người Singapore thì mối quan hệ có thể bị phá vỡ.
Khi nói chuyện và trong giao tiếp, người ta tuyệt đối cấm kỵ bàn luận sự được mất và chính trị hoặc sự tranh giành xô xát chủng tộc, thị phi tôn giáo…. nhưng có thể bàn những kinh nghiệm du lịch, cũng có thể về những nơi nổi tiếng, ở các nơi mà bản thân đã đi qua. Chủ đề được người dân Singapore bàn tới nhiều nhất là về những món ăn sơn hào hải vị và khách sạn, nhà hàng.
Ở đất nước Singapore, trên trán người phụ nữ mang huyết thống Ấn độ có săm một nốt đỏ, còn nam giới dùng thắt lưng màu trắng, phần lớn khi gặp nhau chắp tay trước ngực để chào, còn khi vào nhà phải cởi dép.
Hành động, cử chỉ và thói quen
Đối với người Singapore, dùng ngón tay trỏ chỉ người khác, nắm chặt nắm tay hoặc ngón tay giữa đều bị coi là những động tác cực kỳ vô lễ. Hai tay không được tùy tiện chắp vào sườn bởi vì đó là biểu hiện của sự bực tức.
Không được ngồi bắt chéo chân khi ngồi đối diện với người lớn tuổi hơn hoặc có thứ bậc cao hơn.
“Mặt mũi ảm đạm” (mất sổ gạo) hay mất tự chủ nơi công cộng sẽ có hậu quả tiêu cực trong xã hội Singapore.
Người Singapore có thói quen đi chân không vào nhà.
Lời “chúc phát tài”
Nếu như người Trung Quốc đại lục chúc nhau “chúc phát tài” là muốn chúc làm ăn, kinh doanh phát tài. Nó mang hàm nghĩa tích cực. Thì đối với người Singapore lời chúc ” chúc phát tài” lại là điều họ không thích, thậm chí còn là một điều nên tránh. Đối với người Singapore, lời chúc ” chúc phát tài” cũng đồng nghĩa với sự giễu cợt hoặc sỉ nhục vì người Singapore đồng nghĩa lời chúc này với “chúc bất nghĩa”.
Những điều cấm kị nên tránh
Tặng quà: Những vật được coi là kị không nên tặng nhau: đồng hồ là điềm tang tóc, khăn tay là điềm chia ly, chiếc dù là điềm rủi ro.
Khi ăn cơm không được đặt đũa lên trên bát hoặc đặt lên đĩa thức ăn. Khi không ăn nữa cũng không được đặt lung tung mà phải đặt trên giá, đĩa tương ớt hoặc đặt trên đĩa đựng xương. Nếu là nhân viên hàng hải, người làm nghề cá hoặc những người thích chèo thuyền, khi ăn cơm không được lật con cá, bởi vì việc đó đồng nghĩa với việc lật con tàu lật thuyền, do đó phải tách con cá đó ra, ăn từ trên xuống dưới.
Trong những ngày đầu năm mới, người dân Singapore không bao giờ quét dọn nhà cửa, không gội đầu, bởi vì họ cho rằng làm như vậy sẽ mất hết may mắn, không được đánh vỡ đồ đạc trong phòng, nhất là không được làm vỡ gương, vì đó là biểu hiện của chuyện xấu và không may mắn; không được mặc đồ trắng, không được dùng kim hoặc kéo, bởi vì những vật dụng này có thể đem đến vận hạn cho họ.
Người dân Singapore không hưởng ứng hút thuốc lá. Ở một số nơi như cầu thang máy, rạp chiếu phim, trên những phương tiện giao thông công cộng nhất là trong văn phòng…, quy định là nghiêm cấm hút thuốc, những ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt 500$ Singapore. Tại các nơi khác, cứ muốn hút thuốc phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của đối phương.
Văn hóa ẩm thực
Ẩm thực Singapore là sự pha trộn giữa công thức chế biến của người Hoa, Malay, Ấn Độ, Peranalean… tạo nên những nét đặc trưng, thu hút khách du lịch mỗi khi đến với Singapore.
Những món ăn đặc trưng được người Singapore yêu thích nhất có thể kể đến như:
Cua sốt ớt. Đây là món ăn đầu tiên trong top những món ăn không thể bỏ qua khi du lịch Singapore. Có thể nói cua sốt ớt là “quốc thực” của Singapore và để thưởng thức món ăn này đúng vị nhất hãy đến các cửa hàng hải sản trên đường Mattar hoặc Old Airport.
Cà ri Laska: Nếu du khách hỏi “Món ăn nào nổi tiếng nhất Singapore?” Thì câu trả lời sẽ là “Cà ri Laska”. Sợi mì dẻo dai hòa quyện với cá, tôm, sò huyết, giá đỗ và nước cà ri cay cay, ngọt ngọt đã tạo nên một món ăn trên cả tuyệt vời. Hãy đến làng chài ven biển Laska để thưởng thức món cà ri tuyệt phẩm này nhé.
Cơm gà Hải Nam: với thịt gà luộc, xắt lát và dùng cùng với cơm nấu bằng nước luộc gà.
Laska: món mì sợi, dùng chung với cà ri nước dừa cùng tôm, trứng, thịt gà, sò…
Char kway teow: món bánh phở xào với tương ngọt cùng giá, phần bánh nhân cá và khoai tây cùng sò, lạp xưởng…
Satay: món thịt xắt lát được xiên vào thành từng que, nướng trên lửa than và dùng với nước sốt đậu phộng.
Roti prata: món bánh kẹp giòn của người Ấn, dùng chung với nước sốt cà ri.
Trà sữa Ấn Teh tarik: Teh tarik hay trà kéo tại Singapore là món trà Ấn Độ thơm ngon với lớp bọt sủi tăm trên miệng ly.
Một số tập tục văn hoá khác
Tôn Giáo
Sự hòa hợp dân tộc dẫn đến việc hình thành những nhóm tôn giáo khác nhau. Khoe mình trên nền trời Singapore là những tòa tháp đặc biệt của các giáo đường Hồi giáo, những ngọn tháp hình chóp của các thánh đường với lối kiến trúc Gôtích, những tượng thần phức tạp của các đền thờ Hindu và những mái nhà với lối kiến trúc khác biệt của các ngôi chùa Trung Hoa. Các tôn giáo chính ở đây là Hồi Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo, Độc Thần Giáo, (còn gọi là đạo Sikh, một tôn giáo phát triển từ Ấn độ giáo vào thế kỷ XVI và dựa trên tín ngưỡng chỉ một Thần) và Do Thái Giáo (Theo Uniquely Singapore).
Đạo Islam là đạo chính của Singapore, đạo này cấm uống rượu, cấm ăn thịt lợn và những đồ ăn chế biến từ lợn.
Những con số
Người Singapore cho rằng con số “4”, “7”, “13”, “37”, và “69” là những con số tiêu cực và không may mắn, họ ghét và kỵ nhất con số “7”, bình thường họ cố hết sức để tránh gặp phải con số này.
Người gốc Hoa thích số chẵn, chẳng hạn người ta biếu nhau 2 quả cam trong dịp Tết để lấy lộc.
Các con số 2, 6, 8 là con số may mắn, trong khi đó số 4 lại là con số chết chóc, nên người ta hết sức tránh.
Màu sắc
Người Singapore quan niệm màu đen là màu không may mắn, màu tím cũng là màu họ không thích. Họ chỉ thích màu hồng màu đỏ, bởi vì theo họ màu này tượng trưng cho sự trang nghiêm, nhiệt huyết mãnh liệt, vui vẻ, dũng cảm và tượng trưng cho sự khoan dung, độ lượng. Họ cũng thích màu xanh da trời và màu xanh lá cây.
Ngoài ra, màu đỏ còn là màu của may mắn, tài lộc, còn màu đen là màu kị, nhất là trong những dịp lễ hội.
Xem thêm:
Bonus hỗ trợ dịch vụ cho thuê xe 35 -45 chỗ giá rẻ ở Hà Nội khi bạn cần 1 dịch vụ xe chuyên nghiệp & hoàn hảo
Bài đăng mới nhất